Bật mí 8 mẹo giúp bạn tối ưu hóa chiến dịch Google Display Network
Chiến dịch quảng cáo Google Display Network (GDN) có lẽ đã chẳng còn xa lạ gì đối với các tín đồ trong giới Marketing. Thế nhưng, không phải ai cũng nắm bắt được những “tuyệt chiêu” giúp tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo này. Bài viết hôm nay sẽ mang đến cho bạn một loại các kỹ thuật tối ưu hóa GDN vô cùng hiệu quả đến từ các chuyên gia. Cùng đón xem nhé!
1. Làm quen với các tùy chọn Targeting
Nhắm mục tiêu chính xác giúp chiến dịch quảng cáo GDN của bạn thành công hơn (Ảnh: blog.clickdimensions.com)
Hãy nhớ rằng: Sự thành công của chiến dịch quảng cáo Google Display Network (GDN) có thể phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của công đoạn Targeting.
Có thể chia tất cả các phương pháp nhắm mục tiêu quảng cáo thành 2 nhóm:
- Nhóm 1: Nhắm mục tiêu dựa trên chính nội dung của quảng cáo, để quảng cáo xuất hiện bên cạnh nội dung tương tự.
Ví dụ: Nếu một người nào đó truy cập trang web liên quan đến quần áo thể thao, họ có thể thấy quảng cáo về doanh nghiệp quần áo thể thao của bạn. Google gọi đây là “Nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh” (Contextual Targeting). Bạn có thể thực hiện phương pháp này bằng 2 cách: Keyword Targeting (Nhắm mục tiêu bằng từ khóa) và Topic Targeting (Nhắm mục tiêu theo chủ đề).
- Nhóm 2: Nhắm mục tiêu quảng cáo dựa trên người xem.
Ví dụ: Một doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho chó có thể thiết lập quảng cáo chỉ xuất hiện cho những người lớn tuổi thích chó. Trong trường hợp này, bạn có thể áp dụng các tùy chọn như Remarketing (Tiếp thị lại), Audience Targeting (Nhắm mục tiêu theo đối tượng), Demographic Targeting (Nhắm mục tiêu theo Nhân khẩu học) và Automatic Targeting (Nhắm mục tiêu tự động).
Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn các định dạng quảng cáo khác nhau, dựa trên vị trí quảng cáo xuất hiện và kết quả bạn muốn đạt được. Cụ thể, quảng cáo xuất hiện trên máy tính để bàn hoặc điện thoại di động.
Nếu là người dùng mới, bạn sẽ phải quản lý tất cả quảng cáo của mình từ Google Ads – ngay cả những quảng cáo xuất hiện trên GDN.
Hãy nhớ rằng, dù thực hiện bất kỳ chiến dịch nào, thì bước đầu tiên vẫn là xác định những mục tiêu cuối cùng mà bạn muốn đạt được. Sau đó, thử nghiệm nhiều phương pháp nhắm mục tiêu khác nhau để có thể xác định option phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình.
2. Triển khai Remarketing Ads trên GDN
Remarketing đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quảng cáo GDN (Ảnh: cdn.searchenginejournal.com)
Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn đang sử dụng Internet, thì bạn đã là mục tiêu của Remarketing!
Remarketing Ads (Quảng cáo tiếp thị lại) là những quảng cáo được hiển thị ở trên những trang web mà bạn truy cập hoặc đã truy cập gần đây. Thành thật mà nói, người dùng không phải lúc nào cũng hào hứng khi nhìn thấy chúng. Nhưng không sao cả, vì dù họ có biết hay không, thì Remarketing Ads vẫn là một phương thức mang đến hiệu quả cao.
Đôi khi, Remarketing hiệu quả đến mức những ai đã truy cập vào các trang web được retarget bằng Display Ads có khả năng chuyển đổi trên trang web của bạn cao hơn 70%. Đó là lý do tại sao bạn nên bắt đầu với Remarketing nếu bạn là newbie trong thế giới GDN.
Trên thực tế, một số nhà quảng cáo lo lắng rằng, việc chạy quảng cáo trên GDN có thể được xem như một loại hành vi tự đề cao thương hiệu của mình, vì bạn đang hiển thị quảng cáo cho những người không tìm kiếm chúng về mặt kỹ thuật. Nhưng bằng cách sử dụng Remarketing, bạn có thể hiển thị quảng cáo cho những người đã biết đến brand của bạn. Khi đó, bạn sẽ trở thành một gương mặt hữu ích, quen thuộc hơn với người xem.
3. Loại trừ các trang web không có chủ đề trong GDN
Xác định đúng vị trí quảng cáo hiển thị sẽ thu hút nhiều lượt chuyển đổi hơn (Ảnh: noblestudios.com)
Đương nhiên, chẳng ai muốn quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ của mình xuất hiện trên một trang web hoàn toàn không liên quan. Và thật may mắn, với những chiến dịch quảng cáo Google Display Network, tình trạng này sẽ không xảy ra!
Cụ thể, Google cho phép bạn loại trừ một số trang web mà bạn cảm thấy không phù hợp với sản phẩm của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể chặn các trang web mà quảng cáo của bạn không hoạt động tốt. Thậm chí, bạn có thể ngăn không cho quảng cáo của mình xuất hiện ở những vị trí nhất định, dựa trên 3 yếu tố:
- Chủ đề (Topics)
- Thiết bị (Devices): máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại di động
- Danh mục ứng dụng (App Category)
Đặc biệt hơn, Google hiện đã cung cấp các công cụ hỗ trợ công đoạn tối ưu hiển thị quảng cáo. Bạn có thể tạo danh sách các từ khóa phủ định để quảng cáo của bạn không bao giờ xuất hiện trên bất kỳ trang nào có chứa những từ khóa đó.
4. Sử dụng tùy chọn Managed Placements
Tính năng Managed Placements giúp bạn quản lý chiến dịch quảng cáo GDN hiệu quả hơn (Ảnh: stateofdigital.com)
Nếu bạn muốn kiểm soát nhiều nhất những vị trí đặt quảng cáo, hãy sử dụng tùy chọn nhắm mục tiêu Managed Placements. Các phương pháp như nhắm mục tiêu theo topics, keywords… là những công cụ giúp Google chọn lọc được trang web nào tốt nhất cho quảng cáo của bạn dựa trên các danh sách và thuật toán được xác định trước.
Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy thoải mái hơn khi tự mình đưa ra phỏng đoán, bạn vẫn có thể tự quản lý các vị trí đó bằng cách chọn những trang web bạn muốn quảng cáo của mình xuất hiện.
5. Sử dụng tính năng Similar Audience trên GDN
Similar Audience là một tính năng quan trọng của chiến dịch quảng cáo GDN (Ảnh: insights.marinsoftware.com)
Similar Audience là một phương pháp tìm kiếm những khách hàng tiềm năng, thể hiện sự quan tâm đến quảng cáo của bạn. Tính năng này dựa trên đối tượng Remarketing của bạn. Và khi bạn kết hợp nhắm mục tiêu Similar Audience với Remarketing, bạn có thể gia tăng tỷ lệ chuyển đổi lên đến 41%.
Dựa trên danh sách khách hàng hiện tại, tính năng này giúp bạn tìm kiếm và nhắm mục tiêu những người có chung đặc điểm với những người đã truy cập trang web của mình.
6. Sử dụng Search Network (Mạng tìm kiếm) với Display Expansion (Mở rộng hiển thị)
Display Expansion Ads giúp bạn tiếp cận đối tượng khách hàng mới một cách gián tiếp (Ảnh: adsplus.vn)
Nếu bạn đã quen thuộc với chiến dịch quảng cáo Google Display Network hay SEO nói chung, chắc chắn sẽ hiểu được tầm quan trọng của từ khóa. Tuy nhiên, bạn có thể vẫn chưa biết đến tính năng Display Expansion (Mở rộng hiển thị) của Google.
Thông thường, từ khóa sẽ mang “trọng trách” nhắm mục tiêu các trang web mà đối tượng của bạn truy cập. Tuy nhiên, Display Expansion Ads lại được hiển thị trên các trang web cung cấp các sản phẩm và dịch vụ bổ sung hoặc có liên quan.
Mục đích chung Display Expansion Ads chính là nhắm mục tiêu đến lượng người dùng dựa trên tác vụ tìm kiếm. Vì vậy, quảng cáo sẽ hiển thị trong kết quả tìm kiếm từ khóa của bạn trên Google và các trang web đối tác của Google, cũng như các trang web khác có nội dung liên quan.
Cách này có thể mang lại lợi ích cho chiến dịch của bạn vì nhiều lý do. Trước hết, bằng cách nhắm mục tiêu gián tiếp, bạn vẫn có thể tiếp cận được với những người quan tâm đến nội dung và dịch vụ tương tự, có nghĩa là họ cũng sẽ quan tâm đến dịch vụ của bạn. Ngoài ra, nó còn đưa bạn đến với một đối tượng hoàn toàn mới, có quan tâm đến những sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn đang cung cấp.
Tuy nhiên, loại chiến dịch này có thể tiêu tốn nhiều chi phí, bởi vì nó bao gồm cả quảng cáo trên Search Network và Display Network.
7. Giúp quảng cáo trên GDN trở nên trực quan và hấp dẫn
Chiến dịch quảng cáo GDN sinh động, hấp dẫn sẽ thu hút nhiều người xem hơn (Ảnh: velocityconsultancy.com)
Một trong những lợi thế lớn nhất của chiến dịch quảng cáo Google Display Network so với Search Ads chính là khả năng kết hợp hình ảnh vào quảng cáo.
Google cung cấp một số loại quảng cáo mà bạn có thể lựa chọn:
- Responsive ads (Quảng cáo thích ứng): Quảng cáo này có thể được tự động điều chỉnh để phù hợp với kích thước, giao diện và định dạng để phù hợp với các không gian quảng cáo khác nhau.
- Upload image ads (Quảng cáo tải lên hình ảnh): Bạn có thể tải quảng cáo hình ảnh của chính mình lên mạng.
- Engagement (Quảng cáo tương tác): Trải nghiệm quảng cáo phong phú về mặt hình ảnh.
- Gmail ads (Quảng cáo thông qua Gmail): Hiển thị quảng cáo trên các tab trong hộp thư đến của Gmail.
Bạn nên chú ý đến kích thước của quảng cáo, phải phù hợp với giao diện người dùng. Mặt khác, cũng cần chú trọng đến hình ảnh và thông điệp mà bạn muốn truyền tải đến người dùng. Nên sử dụng thông điệp ngắn gọn, đơn giản và luôn nhớ kèm theo CTA (Call To Action).
8. Điều chỉnh thời gian (Time of Day) cho quảng cáo trên GDN
Đặt quảng cáo tại những thời điểm thích hợp sẽ tăng hiệu quả cho chiến dịch quảng cáo GDN của bạn (Ảnh: wholewhale.com)
Time of Day là một tính năng quan trọng nhưng thường bị bỏ qua. Đối với tất cả các quảng cáo của Google, bạn có thể tùy chọn đặt lịch (ngày cụ thể, thời gian trong ngày…). Điều này cho phép bạn sắp xếp để quảng cáo trên GDN xuất hiện vào thời điểm cụ thể.
Cụ thể, trong trường hợp đối tượng của bạn là người dùng ở một địa phương hoặc khu vực nào đó, bạn nên đặt các thông số thời gian theo múi giờ cụ thể. Nếu không, bạn chỉ đang lãng phí ngân sách để chạy một quảng cáo mà người dùng sẽ không nhìn thấy.
Bên cạnh đó, Google cũng cho phép theo dõi cách quảng cáo hoạt động trong ngày để bạn có thể trau dồi những thời điểm hoạt động tốt nhất của mình. Nhờ vậy, bạn có thể tăng giá thầu của mình trên các từ khóa nhất định trong thời gian đó hoặc lập lịch để chúng xuất hiện nhiều hơn vào những thời điểm nhất định dựa trên hiệu suất quảng cáo.
Kết luận
Các loại chiến dịch quảng cáo Google Display Network có thể trở thành những công cụ hỗ trợ vô cùng đắc lực cho nỗ lực Marketing của bạn, nếu bạn tận dụng đúng cách. Thực hiện theo 8 “bí kíp” vừa rồi, bạn hoàn toàn có thể tối ưu hóa quảng cáo trên GDN của mình, thu hút khách hàng tiềm năng và gia tăng doanh số.